Viêm đa khớp dạng thấp là tình trạng một hay nhiều khớp bị sưng đau lúc thời tiết thay đổi từ nóng sang lạnh hoặc ngược lại. Bệnh xuất hiện trên những người bị viêm họng cấp hoặc mãn do chủng vi khuẩn liên cầu tan huyết nhóm A gây nên.
Lúc cấp tính, tại vùng khớp bị sưng, nóng đỏ, đau; nhưng khi đã thành mạn tính thì các dấu hiệu này không rõ ràng, chỉ thấy sưng, đau hoặc mỏi ở những khớp đa viêm nhiễm và di chuyển nhiều lần.
Triệu chứng bao gồm: cứng khớp buổi sáng, thức dậy không thể vận động được ngay mà phải xoay khớp, xoa bóp chừng 10-15 phút. Tiếp đến là đau khớp, nhất là các khớp nhỏ như: khớp bàn ngón tay, cổ tay, bàn ngón chân, cổ chân. Các khớp có đặc điểm là viêm đau, có thể sưng nhưng không đỏ lên.
Bao giờ cũng có hiện tượng đau đối xứng hai bên. Cuối cùng, nếu bàn tay, bàn chân bị biến dạng sau một thời gian đau khớp thì có nghĩa là bệnh đã đến giai đoạn nặng, dần dẫn đến tình trạng dính, biến dạng khớp, thậm chí có thể gây tàn phế.
Nguyên nhân gây bệnh viêm đa khớp
– Tác nhân gây bệnh: có thể là virus, vi khuẩn, dị nguyên nhưng chưa được xác định chắc chắn.
– Yếu tố cơ địa: bệnh có liên quan rõ rệt đến giới tính (70-80% bệnh nhân là nữ) và tuổi (60-70% gặp ở người trên 30 tuổi).
– Yếu tố di truyền: viêm đa khớp có tính gia đình, có liên quan với tổ chức HLA DR4 (gặp 60-70% bệnh nhân có yếu tố này, trong khi tỷ lệ này ở cộng đồng chỉ là 30%).
– Các yếu tố thuận lợi khác: môi trường sống ẩm thấp, cơ thể suy yếu mệt mỏi, nhiễm lạnh, phẫu thuật.
Cách điều trị bệnh viêm đa khớp
a. Nguyên tắc chung viêm đa khớp
– Viêm đa khớp dạng thấp là bệnh mãn tính kéo dài hàng chục năm, đòi hỏi quá trình điều trị phải kiên trì, liên tục có khi đến hết cả đời.
– Điều trị phải kết hợp chặt chẽ giữa nội khoa, vật lý trị liệu, phục hồi chức năng và ngoại khoa.
– Thời gian điều trị chia làm nhiều giai đoạn: nội trú, ngoại trú và điều dưỡng.
– Trong quá trình điều trị cần theo dõi chặt chẽ diễn biến của bệnh và các tai biến, biến chứng có thể xảy ra.
b. Điều trị nội khoa viêm đa khớp .
b.1. Với thể nhẹ và giai đoạn I viêm đa khớp
– Aspirin 1-2g/24h, chia làm nhiều lần.
– Cloroquin (Delagyl) 0,2-0,4g/24h, uống liên tục kéo dài hàng tháng.
– Tiêm Hydrocortison acetat vào một vài khớp viêm nhiều.
– Tăng cường vận động, tập luyện, điều trị bằng các phương pháp vật lý.
– Tránh ẩm thấp, lạnh, cần làm việc nhẹ.
– Có thể điều trị kết hợp bằng thuốc Y học cổ truyền.
b.2. Thể trung bình, giai đoạn II viêm đa khớp
– Dùng một trong các loại thuốc chống viêm non-steroid sau:
+ Aspirin 1-2g/ngày.
+ Indomethacin 25mg x 2-6 viên.
+ Phenylbutason 100mg x 1-2 viên.
+ Voltaren 25mg x 2-6 viên.
+ Felden 10mg x 1-2 viên.
+ Tilcotil 10mg x 1-2 viên. v.v…
+ Rofecoxib (Vioxx, Fecob) 25mg x 1 viên/ngày.
– Delagyl 0,2-0,4mg/ngày.
– Có thể dùng corticoid liều trung bình 40mg Prednisolon mỗi ngày rồi giảm dần, không nên dùng kéo dài.
– Các biện pháp khác như thể nhẹ.
b.3. Thể nặng, tiến triển nhiều
– Corticoid liều cao: Prednisolon 1,5mg/kg/24h, hoặc Hydrocortison 100-200mg tiêm tĩnh mạch, rồi giảm dần liều.
– Tiêm muối vàng: mỗi tuần 1 lần với liều tăng dần, tổng liều 1,5-2g, uống viên Auranofin 3mg x 2viên/24h trong 3 tháng.
– Dénicillamin 300mg x 1-2 viên/ngày x 3 tháng.
– Salazopyrin 500mg x 2-4 viên/ngày kéo dài nhiều tháng.
– Thuốc ức chế miễn dịch: Endoxan 1-2mg/kg/ngày; Chlorambucil 0,2mg/kg/ngày; Methotrexat 7-10mg/ngày, mỗi tuần dùng 1 lần trong 3 tháng.
– Lọc huyết tương: nhằm loại trừ phức hợp miễn dịch lưu hành trong máu.
– Tiêm vào trong khớp acid osmic, hoặc một số chất đồng vị phóng xạ (Erbium 169, Phenium 87, Ytrium 90).
c. Điều trị bằng vật lý trị liệu và phục hồi chức năng.
c.1. Điều trị chống viêm giảm đau
– Nhiệt trị liệu: Dùng nhiệt nóng có tác dụng tăng tuần hoàn, dinh dưỡng tại chỗ, giảm đau chống viêm. Tăng tuần hoàn giúp phân tán các chất trung gian viêm, tăng nuôi dưỡng và hồi phục nhanh tổn thương. Cần chú ý chống chỉ định nhiệt nóng trong trường hợp viêm cấp có sưng nóng, phù nề hoặc tràn dịch khớp. Các phương pháp dùng nhiệt nóng là:
- Tắm ngâm: nước nóng toàn thân, nước muối, nước lưu huỳnh (H2S), nước phóng xạ Radon, nước khoáng thiên nhiên…
- Đắp nóng tại khớp: paraffin, túi nhiệt, bùn nóng, cát nóng.
- Sóng ngắn: dùng liều ấm với những khớp trung bình và lớn hoặc các khớp sâu như cổ tay, khuỷu, vai, cổ chân, gối, háng…
- Siêu âm: điều trị tại chỗ đau có tác dụng giảm đau, chống thoái hóa do tác dụng cơ học, nhiệt và hóa học. Có thể dùng siêu âm để dẫn thuốc như: các thuốc mỡ chống viêm, chế phẩm Omega 3…
- Hồng ngoại.
- Tử ngoại: dùng 3-5 liều sinh lý, mỗi ngày chiếu 300-400cm2. Chiếu kín toàn bộ khớp đau và vùng lân cận, nghỉ 2-3 ngày cho phản ứng đỏ da giảm bớt rồi lại chiếu tiếp. Một đợt 5-6 lần chiếu. Tác dụng giảm đau, chống viêm, giảm mẫn cảm khớp.
- Khí hậu trị liệu: nên sống ở vùng có khí hậu nhiệt đới.
– Điện trị liệu viêm đa khớp :
- Dòng Galvanic đơn thuần hoặc điện di thuốc salicylat, hydrocortison vào khớp để chống viêm.
- Điện xung: dòng hình sin, dòng TENS, dòng giao thoa.
- Từ trường: có tác dụng giảm đau và chống thưa xương.
– Xoa bóp: Có tác dụng giảm đau, giảm co cơ, được dùng trong một số trường hợp thoái hóa khớp, viêm dính khớp. Tốt nhất là xoa bóp bằng tay với các động tác xoa, vuốt, day.
c.2. Vận động phục hồi chức năng khớp
c.2.1. Trong giai đoạn viêm cấp:
Viêm khớp có sưng, đau nặng cần bất động khớp để hạn chế viêm phát triển. Tuy nhiên theo quan niệm cũ là phải nghỉ ngơi lâu dài trên giường, như thế sẽ tạo ra các yếu tố nguy cơ ảnh hưởng đến chức năng và gây thương tật thứ phát. Do đó, cho nghỉ ngơi phải cân nhắc kỹ những điểm lợi và hại. Đối với đau khớp có thể tiến hành nghỉ ngơi như sau:
– Khớp gối và khớp cổ chân bị đau có thể được bó cố định bằng băng thun, người bệnh có thể đi lại được do cử động khớp hông và khớp cột sống thắt lưng để bù trừ thay thế.
– Khớp cổ tay cố định, người bệnh có thể sử dụng khớp khuỷu, vai, bàn và ngón tay.
– Khớp hông, khớp vai là các khớp lớn có tầm vận động rộng rãi cũng phải bất động tương đối, cho vận động nhẹ nhàng các khớp gối, khuỷu, cổ chân, cổ tay, bàn chân, bàn tay.
c.2.2. Khi viêm cấp lui giảm:
– Giữ tư thế: là biện pháp quan trọng đối với bệnh nhân viêm khớp, bao gồm các hoạt động sinh hoạt như: nằm, ngồi, đi, đứng.
+ Khi nằm: cần nằm phản cứng hoặc chỉ lót đệm mỏng, gối để thấp, lưng nằm phẳng, không nên dùng gối kê dưới khoeo chân để tránh biến dạng gấp và cứng khớp gối. Trong một ngày bệnh nhân phải nằm sấp ít nhất 2 lần, mỗi lần ít nhất 15 phút, để 2 bàn chân ra mép giường, 2 cánh tay duỗi thẳng về phía đầu.
+ Khi ngồi: nên ngồi trên mặt ghế cứng và lưng tựa thẳng, đặt 2 bàn chân sát lên mặt nền, hông và vai tựa vào thành ghế. Tránh ngồi ghế thấp quá không để khối gối vuông góc, tránh ngồi quá cao để 2 chân duỗi tự do.
phương pháp tập luyện cho người bị viêm đa khớp
+ Khi đứng: đứng dáng vươn lên và đầu thẳng, giữ thẳng khớp hông và gối, làm cho lực phân bố đều lên 2 bàn chân.
+ Khi đi: bước đi dứt khoát không để kéo lê bàn chân, không đi với 2 chân nghiêng kéo rê mặt nền, dáng đi chậm rãi nhẹ nhàng, để 2 tay đu đưa thoải mái bên thân mình, không đi với khớp hông và gối cong gập (đi khom).
– Tập vận động: Cần tập vận động sớm, gồm vận động thụ động, vận động chủ động và vận động có dụng cụ.
+ Cần chú ý: ở giai đoạn này khớp viêm có cấu trúc yếu nên vận động mạnh dễ bị rách, đứt gân cơ, dây chằng. Đồng thời phần đầu xương gần khớp bị loãng xương nên dễ bị gẫy, đặc biệt là các khớp nhỏ như các khớp bàn ngón, khớp đốt ngón rất dễ gẫy ngay cả khi vận động chủ động.
+ Do đó nguyên tắc tập vận động là: tập các động tác phải thận trọng, tăng từ từ. Tập nhẹ nhàng xen lẫn nghỉ ngơi, không tập gắng sức có thể làm đau thêm. Cố gắng khuyến khích người bệnh tự tập để đạt tầm vận động tối đa, tốt nhất là hết tầm vận động.
+ Phương pháp tập: mỗi ngày tập ít nhất 3-5 lần, thời gian đầu có thể chưa có khả năng vận động tới mức tối đa, nhưng mỗi ngày bệnh nhân có thể đạt được tiến bộ tăng dần.
+ Ngoài tập động tác về tầm vận động của khớp, còn phải tập một số động tác để tăng sức cơ. Ví dụ: khi tập vận động khớp háng, khớp gối phải tập động tác tăng sức cơ tứ đầu đùi và cơ mông lớn. Vì cơ tứ đầu đùi có chức năng duỗi khớp gối cần cho hoạt động đi, đứng, lên cầu thang, đứng dậy khỏi ghế. Cơ mông to có chức năng duỗi hông, chống lại khuynh hướng gấp và phối hợp với cơ tứ đầu đùi để lên cầu thang và đứng dậy khỏi ghế.
– Bất động khớp: Khi tình trạng khớp co rút nhiều và kéo dài thì phương pháp tập vận động chưa đủ, hoặc không đạt được hiệu quả cần thiết do cấu trúc của các thành phần khớp đã bị tổn thương rút ngắn lại. Khi đó cần dùng một nẹp máng bột để bất động khớp ở mức duỗi tối đa.
Sau đó người bệnh vẫn đi lại tập luyện. Một tuần sau ta thay bằng một máng bột có độ duỗi nhiều hơn. Tiếp tục làm thay đổi máng bột nhiều lần cho đến khi khớp lấy lại độ duỗi gần như bình thường để đáp ứng được chức năng của nó.
Xem thêm các bệnh lý về thoát vị đĩa đệm, thoái hóa xương khớp, gout… tại đây: bệnh xương khớp
Ngay khi xuất hiện những dấu hiệu bất thường, người bệnh nên thăm khám cụ thể và kịp thời để có những phương pháp điều trị hợp lý, tránh những hậu quả đáng tiếc do căn bệnh viêm đa khớp dạng thấp gây ra. Bệnh nhân có thể đến trực tiếp phòng khám để thăm khám và điều trị. Phòng khám chuyên khoa Việt Đức SÀI GÒN là phòng khám chuyên khoa về cơ xương khớp với các bác sĩ chuyên khoa tay nghề cao, các bác sĩ đã có ít nhất trên 30 năm kinh nghiệm sẽ thăm khám và điều trị triệt để căn bệnh này. Đây chính là cơ sở khám chữa bệnh uy tín với người bệnh.
Nếu có bất cứ câu hỏi vui lòng liên hệ Phòng khám chuyên khoa Xương Khớp Việt Đức SÀI hoặc gọi Hotline : 0981.964.332
SÁNG Y ĐỨC – VỮNG CHUYÊN MÔN – VUÔNG TRÒN HẠNH PHÚC!